“Hãy đi khắp thế giới và rao giảng Tin Mừng cho muôn
dân.” (Mk 16:15). Và,
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền
cho anh em.” (Mt. 28:19)
Ai đi và đi đâu? Khi nghe hai lời truyền dạy trên của
Chúa Giêsu, chúng ta nghĩ ai sẽ là người được trao sứ
mạng ra đi và rao giảng Tin Mừng? Phần đông, theo quan
niệm xưa vẫn cho rằng, đó là những lời Chúa nói với các
tông đồ, môn đệ của Ngài. Họ là các giám mục, linh mục,
tu sỹ nam nữ. Nhưng ít ai nghĩ rằng những lời này Chúa
cũng nói với tất cả mọi người, mọi tín hữu là những
người tin vào Ngài, được sinh ra trong ân sủng. Trong
ngày lĩnh Bí Tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được chia
sẻ với Chúa Kitô trong cùng một Thánh Thần ba thiên
chức: Tư Tế, Tiên Tri và Vương Giả.
Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền Giáo đã qua, nhưng tôi vẫn
còn nhớ rất rõ bài giảng của Phó Tế Vũ Anh đã chia sẻ
với cộng đoàn dân Chúa Thánh Linh hôm đó. Và điều khiến
tôi suy nghĩ là câu chuyện về một em bé:
Em sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con thuộc một
xứ đạo tại miền châu thổ sông Hồng Hà. Bố mẹ tuy nghèo
nhưng không quên dạy dỗ con cái một cách chu đáo về phần
đạo đức. Một trong những thói quen của gia đình là mỗi
tối trước khi đi ngủ, cả nhà đều quây quần trước bàn thờ
Đức Mẹ đọc một kinh Lạy Cha, hai Kinh Kính Mừng, một
kinh Sáng Danh, sau đó mỗi người dâng một lời nguyện
ngắn. Bà mẹ cũng luôn nhắc nhở các con rằng: “Dù đi đâu,
làm gì, nhất là những lúc gặp khó khăn thì phải luôn
chạy đến với Chúa và Đức Mẹ.”
Gia đình em vẫn luôn luôn trung thành với thói quen cầu
nguyện này, và chính người mẹ cũng không bao giờ nghĩ
rằng những lời mình nói với các con lại có một ảnh hưởng
lớn lao đến đời sống tâm linh, cũng như thể chất của các
con bà như vậy. Cho đến một hôm, đứa bé nhất của bà bị
một căn bệnh hiểm nghèo đòi phải qua một cuộc giải phẫu
mới hy vọng cứu sống. Gia đình đã cố gắng chạy chữa và
lo cho em được lên Hà Nội để chữa trị.
Trước khi gây mê cho em bé, vị bác sỹ cầm tay em và nói:
“Bác sẽ làm cho con ngủ đây, khi tỉnh dậy con sẽ thấy
mình khỏe lại.” Vừa khi nghe đến chữ “ngủ”, em vội ngồi
dậy và nói với vị bác sỹ: “Trước khi đi ngủ, cháu phải
cầu nguyện trước đã. Xin bác sỹ chờ cháu cầu nguyện xong
đã.” Rồi em đọc một Kinh Lạy Cha, hai Kinh Kính Mừng,
một Kinh Sáng Danh và dâng một lời nguyện như mẹ em đã
dạy mà em vẫn thường làm mỗi tối trước khi đi ngủ…
Sáng hôm sau, khi tỉnh lại, em thấy mọi người trong nhà
thương có cả vị bác sỹ hôm qua đang vây quanh giường em.
Em định nói lời cám ơn, nhưng vị bác sỹ đó đã cầm tay em
và nói: “Bác phải cám ơn con, vì con đã làm cho bác một
việc hết sức trọng đại.” Rồi ông kể câu chuyện về đời
mình cho cả gia đình nghe. Ông vốn là đảng viên trung
kiên, và vì sự nghiệp, danh vọng, ông đã bỏ đạo 38 năm
tuy trong lòng rất hối hận. Tối qua ông đã mất ngủ vì
thái độ và lời cầu có tính cách tuyên xưng đức tin của
em bé bệnh nhân này, nên sáng nay trước khi đến bệnh
viện, ông đã đến nhà thờ xưng tội và tham dự thánh lễ.
Và ông kết luận: Dù bây giờ tôi có bị đuổi khỏi đảng,
tước bỏ mọi chức vụ, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận…
Phó tế Anh sau đó đã dựa theo ý nghĩa của ngày Khánh
Nhật Truyền Giáo, nêu lên một câu hỏi mang tính cách
thực hành: “Vậy trong câu truyện này, ai là nhà truyền
giáo? Ai đã đưa một đảng viên Cộng Sản về lại Giáo Hội,
về với Đức Tin Công Giáo?”
Dĩ nhiên không có hình ảnh của một hồng y, tổng giám
mục, giám mục, linh mục, phó tế hay bất cứ một tu sỹ nào
trong câu chuyện vừa kể trên. Nhưng ai cũng biết rằng,
nhà truyền giáo trong câu truyện này chính là em bé và
cũng là một bệnh nhân rất dễ thương. Phép lạ đã xảy ra
không phải trên tòa giảng, không phải bằng những cuộc
rước sách linh đình, những buổi diễn nguyện được dàn
dựng công phu, hoặc những buổi hội thảo, chia sẻ và học
hỏi giáo lý. Nó đã xảy ra bằng với tấm lòng và sự thành
thật đơn sơ của một em bé ngay trên giường bệnh của bệnh
viện. Và sau em là bóng dáng một nhà truyền giáo khác
với tâm hồn đạo hạnh, bình dân, và khiêm tốn là mẹ em.
Bà đã huấn luyện được một vị tông đồ, một nhà truyền
giáo.
Câu truyện trên cũng nhắc tôi nhớ đến một “gia đình”
truyền giáo. Một gia đình không có ai là giám mục, linh
mục truyền giáo, nhưng lại có những con người với trái
tim truyền giáo.
Ngày 18 tháng 10, 2015, Chúa Nhật Truyền Giáo, Đức Thánh
Cha Phanxicô đã tuyên phong cha mẹ Thánh Têrêsa Hài Đồng
Giêsu là Louis Martin (1823-1894) và Marie Zelie Guerin
Martin (1831-1877) lên hàng hiển thánh. Họ là cặp vợ
chồng đầu tiên trong lịch sử hơn 2000 năm của Giáo Hội
được tuyên thánh cùng nhau trong cùng một ngày.
Cả hai đã kết hôn năm 1858, có 9 người con, bốn trong số
đó đã qua đời ở tuổi nhỏ, còn lại 5 người con gái tất cả
đều dâng mình cho Chúa: 4 trong dòng Kín Carmelô ở
Lisieux gồm Marie, Pauline, Céline, Thérèse (Têrêsa), và
một trong dòng Mẹ Thăm Viếng là Léonie.
19 năm trong đời sống hôn nhân, hai đấng đã không làm gì
nổi trội hơn là tham dự các thánh lễ hàng ngày, cầu
nguyện, ăn chay, giữ ngày Chúa Nhật, và thăm viếng những
người già cả, bệnh tật, nghèo đói, và hoàn tất những
công việc nhỏ mọn, tầm thường mà ai cũng có thể làm được
trong vài trò làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, và chị
em với nhau. Là người mẹ trong gia đình, Thánh Marie
Zelie Guerin Martin đã ảnh hưởng trên các con cái mình.
Kết quả là Têrêsa đã trở thành một đại thánh, một tiến
sỹ Hội Thánh, là bổn mạng các xứ truyền giáo. Sau khi
nghiên cứu các tài liệu về thánh Thérèse, nhiều nhà thần
học và sử học đều tìm thấy ảnh hưởng và tinh thần truyền
giáo của Pauline đã thôi thúc Thérèse. Ngoài ra, các nữ
tu còn lại của gia đình này đều được mọi người tôn kính
và cầu xin mỗi khi thăm viếng đan viện Carmelô tại
Lisieux. Riêng Léonie, ngày 2 tháng 7, 2015 hồ sơ phong
thánh cấp giáo phận đã được mở, chị được nâng lên hàng
“Tôi Tớ Chúa.”
Những trường hợp trên, những con người trên là một dấu
chỉ cho thấy việc truyền giáo và sứ mạng truyền giáo,
đặc biệt ở vào thời đại hôm nay, không còn là một đặc ân
hay đặc quyền của giới tu hành. Truyền giáo và sứ mạng
truyền giáo thuộc về mọi Kitô hữu, những người đã đón
nhận phép Thánh Tẩy, với sứ mạng “tiên tri”.
Vậy khi chúng ta nghe lời Chúa Giêsu nói về việc rao
giảng Tin Mừng, rao giảng Phúc Âm như lời Ngài truyền
cho các môn đệ trước khi về trời: “Hãy đi khắp thế giới
và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.” (Mk 16:15) Và: “Vậy
anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm
phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền
cho anh em” (Mt 28:19), thì đừng nghĩ rằng công việc ấy
thuộc về các vị tu hành, các nhà truyền giáo, để rồi
sống dửng dưng như người không tin tưởng. Thánh Gioan
Phaolô II khi còn trên ngôi Giáo Hoàng, qua Tông Huấn
Người Tín Hữu Giáo Dân (CHRISTIFIDELES LAICI) đã
cảnh cáo thái độ tiêu cực, ươn lười của các tín hữu
không quan tâm đến cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội
như sau:
“Những hoàn cảnh đổi mới trong Giáo Hội cũng như của thế
giới, trong thực tại xã hội, kinh tế, chính trị và văn
hóa hôm nay đòi hỏi một cách đặc biệt hoạt động của
người tín hữu giáo dân. Nếu trước đây ai làm ngơ là điều
không thể chấp nhận được, thì hiện giờ đều ấy lại càng
đáng khiển trách hơn. Không ai được phép ở không, không
làm gì.” (A new state of affairs today both in the
Church and in social, economic, political and cultural
life, calls with a particular urgency for the action of
the lay faithful. If lack of commitment is always
unacceptable, the present time renders it even more so. It
is not permissible for anyone to remain idle.) [1]
(Khánh Nhật truyền giáo, 23 tháng 10 năm 2022)
|